Sáng tạo slogan (khẩu hiệu)

Vai trò và lợi ích của slogan

Một slogan hay không chỉ truyền tải tốt thông điệp nào đó của thương hiệu mà còn chứa đựng những đặc điểm giúp công chúng gợi nhớ tới thương hiệu mình; có nghĩa là nó vừa giúp tăng khả năng tiếp cận khách hàng mục tiêu vừa giúp tăng khả năng nhận diện thương hiệu.

Một slogan hay cũng sẽ tạo ra cảm xúc, giúp cho thương hiệu kết nối với khách hàng tốt hơn.

Dù hoạt động trong bất kỳ lĩnh vực nào, doanh nghiệp cũng nên cần có một slogan, nó như một lời xung trận trước khi bước vào thương trường đầy cam go và thử thách.

Vậy slogan là gì?

Slogan là một cụm từ, một câu nói có chứa thông điệp nào đó của thương hiệu.

Nó thường ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu, dễ nhớ.

Slogan thường sử dụng điệp ngữ, điệp âm, điệp từ, vần điệu để dễ nhớ và gây ấn tượng.

Về mặt nội dung, nó thường nói lên công việc mà công ty đó làm/cống hiến/ phục vụ; sự cam kết, lời hứa hoặc định vị của thương hiệu... Tuy nhiên nó được phát biểu một cách cao cả như: cống hiến, dấn thân, phục vụ... cho ai/ vì ai/ vì điều gì.

Slogan có thể tiết lộ rất nhiều về thương hiệu của bạn, đặc biệt nó có thể nói lên những gì khách hàng có thể trông đợi. Nó có thể nhấn mạnh vào lợi ích mà khách hàng sẽ nhận được, hoặc thể hiện tính năng khác biệt của sản phẩm, dịch vụ.

Slogan cũng có thể truyền đạt giá trị cốt lõi của thương hiệu.

Thường nội dung slogan chính là thông điệp về sứ mệnh của công ty được cô đọng lại trong một câu ngắn hoặc một cụm từ có: 5 -6 từ trở lại.

Về mặt kỹ thuật, nghệ thuật: khẩu hiệu phải có vần điệu, nhịp điệu, có tính thơ, tính nhạc. Muốn vậy khi sáng tạo phải tuân theo luật 'bằng trắc' (1). Người sáng tạo mà có khiếu về thơ văn thì sẽ tốt, họ hiểu về luật này. Nếu đạt được những yếu tố trên thì slogan sẽ được khách hàng, công chúng rất nhớ.

Những ví dụ về slogan hay

"Nâng niu bàn chân Việt" của Biti's là một khẩu hiệu hay và điển hình.

Có nghĩa là: tôi xuất hiện, tôi ra đời, tôi có mặt ở đây là để chăm sóc và nâng niu bàn chân người Việt thông qua việc thiết kế, sản xuất & cung ứng giày dép.

Nó vừa là tuyên bố, là lời hứa nhưng cũng là mục tiêu mà doanh nghiệp theo đuổi. Một câu khẩu hiệu tạo ra nhiều cảm xúc đối với người tiêu dùng và vô cùng ý nghĩa.

Thử hình dung nếu doanh nghiệp này sử dụng câu sau đây: "Biti's - chuyên sản xuất giày", bạn sẽ thấy thế nào? Nó rất thường, và chẳng có gì là 'cao cả'.

Một slogan khác cũng khá hay: "Nâng tầm doanh nghiệp Việt", của công ty Vietdu (một công ty chuyên về tư vấn doanh nghiệp). Nó nói lên mục tiêu cao cả của doanh nghiệp này. Nếu công ty này dùng câu: "Vietdu - Tư vấn và đào tạo doanh nghiệp" thì sẽ rất bình thường.

Kleenex - một thương hiệu nổi tiếng của Mỹ - chuyên sản xuất khăn giấy, nhưng họ bán ý tưởng qua câu khẩu hiệu: "Chăm sóc gia đình bạn". Rất cao cả và cảm xúc!

Hãng xe Phương Trang có câu khẩu hiệu: "Trách nhiệm là danh dự". Tuy khẩu hiệu này không vần điệu nhưng lại rất hiệu quả trong việc truyền tải thông điệp của mình đến khách hàng, và khách hàng có thể cảm nhận được ngay sự tin tưởng đối với công ty này.

Về mặt định vị thương hiệu, Phương Trang có vẻ hướng tới sự 'an toàn' cho hành khách. Có nghĩa là đề cao sự an toàn - an toàn là số 1 trong hoạt động kinh doanh của mình.

Còn về mặt chất lượng của một dịch vụ vận chuyển hành khách như: xe tốt, tiện nghi, đúng giờ, phục vụ... thì đương nhiên Phương Trang cũng như các hãng vận chuyển hàng đầu khác đương nhiên phải tốt rồi.

"Có thể bạn không cao nhưng người khác phải ngước nhìn" là một slogan hay của Bia Sài Gòn "lùn" - Sài Gòn Special.

Một thời câu này đã là cửa miệng của rất nhiều người dù nó hơi dài.

Câu này không những rất vui về nghĩa đen mà còn ẩn ý về nghĩa bóng.

Thời điểm đó hầu như tất cả các mẫu bia chai của các hãng bia đều có chiều cao như nhau theo một kích cỡ chuẩn, tuy nhiên 'Sài Gòn Special' lại thiết kế thấp hơn hẳn và to hơn về bề ngang, cổ lại hơi rụt; nên mọi người thường gọi là 'Sài Gòn lùn'. Và cũng vì yếu tố 'lùn' mà hãng này tận dụng điều đó để sáng tạo ra câu slogan độc đáo này.

Câu này muốn nói với khách hàng rằng chất lượng của chúng tôi là vượt trội. Và có thể khẩu hiệu này cũng là một lời tuyên bố chính thức ra nhập phân khúc cao hơn của nhãn hàng Bia Sài Gòn mới này.

Thực tế sau đó đúng là thương hiệu này của Bia Sài Gòn đã rất thành công và thành công ngoạn mục. Trong sự thành công đó, có phần  đóng góp không nhỏ của câu khẩu hiệu huyền thoại này.

Tuy slogan thường nói về sứ mệnh hay giá trị cốt lõi, nhưng với những thương hiệu mới, bạn có thể sử dụng mô tả ngành nghề hoặc chất lượng sản phẩm cho thời gian đầu trước khi chuyển sang những ngôn từ trừu tượng và cao đẹp hơn. Khi bạn đã nói cho khách hàng biết là mình làm gì thì sẽ đỡ rất nhiều cho công tác marketing.

Những ví dụ về slogan dở

(Đang cập nhật)